Lễ ăn hỏi còn được gọi là lễ đính hôn là một nghi thức trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt. Đây là sự thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai họ. Đây là giai đoạn quan trọng trong quan hệ hôn nhân: cô gái trở thành "vợ sắp cưới" của chàng trai, và chàng trai sau khi mang lễ vật đến nhà gái là đã chính thức xin được nhận làm rể của nhà gái và tập gọi bố mẹ xưng con.
Trong lễ ăn hỏi, nhà trai mang lễ vật tới nhà gái. Nhà gái nhận lễ ăn hỏi tức là chính danh công nhận sự gả con gái cho nhà trai, và kể từ ngày ăn hỏi, đôi trai gái có thể coi là đôi vợ chồng chưa cưới, chỉ còn chờ ngày cưới để công bố với hai họ.
Trong lễ ăn hỏi xưa, lễ vật truyền thống bao gồm trầu cau, rượu thuốc, chè sen và cặp bánh cốm bánh su sê. Cũng có gia đình dùng xôi gấc và lợn quay trong lễ vật ăn hỏi.
Đó là những lễ vật tối thiểu theo tục lệ cổ truyền; tất nhiên, chất lượng và số lượng thêm bớt thì tùy thuộc vào năng lực kinh tế của từng gia đình. Theo phong tục Hà Nội truyền thống thường có lợn sữa quay, còn theo phong tục miền Nam có thể có một chiếc nhẫn, một dây chuyền hay bông hoa tai đính hôn. Tuy nhiên, số lượng lễ vật nhất thiết phải là số chẵn (bội số của 2, tượng trưng cho có đôi có lứa), nhưng lễ vật đó lại được xếp trong số lẻ của tráp (số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi, nảy nở).
Lễ vật dẫn cưới thể hiện lòng biết ơn của nhà trai đối với công ơn dưỡng dục của cha mẹ cô gái. Nói theo cách xưa là: nhà trai bỗng dưng được thêm người, còn nhà gái thì ngược lại, "Con gái là con người ta". Mặt khác, lễ vật cũng biểu thị được sự quý mến, tôn trọng của nhà trai đối với cô dâu tương lai.
Trong một chừng mực nào đó, đồ dẫn cưới cũng thể hiện thiện ý của nhà trai: xin đóng góp một phần vật chất để nhà gái giảm bớt chi phí cho hôn sự. Tuy nhiên, điều này ngày nay càng lúc càng trở nên mờ nhạt xét về vai trò, vì dễ dẫn đến cảm giác về sự gả bán con, thách cưới.
Lễ ăn hỏi - một nghi lễ rất quan trọng trong phong tục cưới của người Việt.
Một trong những vấn đề được quan tâm của những gia đình sắp có đám hỏi đó là quy trình diễn ra đám hỏi như thế nào, các thủ tục cần thiết cho đám hỏi ra sao. Long Biên Wedding xin gửi đến một bản quy trình cho đám hỏi như sau :
1. Đến nhà gái:
Khi chuẩn bị đến giờ lành, đoàn đại diện nhà trai theo thứ tự là ông bà hoặc bậc cao niên đại diện gia đình, cha mẹ, chú rể, đội bưng quả cùng các thành viên gia đình sẽ tiến vào nhà gái.
2. Nhà gái đón tiếp :
Gia đình cô dâu tương lai với các vị đại diện tương ứng sẽ ra đón chào nhà trai. Sau khi đại diện 2 gia đình chào hỏi, nhà trai có lời và nhà gái đồng ý, đội bưng mâm quả nhà trai sẽ mang lễ vật đặt vào vị trí mà phía nhà gái đã chuẩn bị để lát nữa sẽ trao cho nhà gái. Hai thành viên đội bưng lễ của hai nhà sẽ trao phong bao lì xì trả duyên cho nhau. Trị giá các phong bao do nhà gái và nhà trai bàn bạc và chuẩn bị trước.
3. Trò chuyện giữa 2 gia đình :
Sau khi hoàn tất màn trao quả, đại diện nhà gái mời nhà trai dùng nước và giới thiệu những người đại diện của hai gia đình. Vị đại diện nhà trai sẽ trình bày lý do đến nhà gái, giới thiệu lễ vật. Đại diện nhà gái nói lời cảm ơn và nhận lễ. Sau đó mẹ cô dâu, mẹ chú rể cùng mở các tráp lễ trước sự chứng kiến của hai gia đình (phần trao lễ cũng có thể diễn ra với sự trao lễ của hai ông bố hoặc người đại diện).
4. Cô dâu ra mắt chào hỏi hai họ :
Theo đúng trình tự lễ hỏi, sau khi hoàn tất các bước trên thì cô dâu mới được phép xuất hiện. Cha mẹ cô dâu sẽ đưa con gái ra mắt hai họ, hoặc cho phép chú rể vào trong đón cô dâu ra chào hỏi. Sau khi cả hai bước ra thì cô dâu, chú rể phải rót trà mời đại diện hai gia đình.
5. Thắp hương gia tiên:
Sau phần ra mắt và mời trà của cô dâu, mẹ cô dâu sẽ chọn một số lễ vật trong mâm ngũ quả, cùng lễ đen dâng lên bàn thờ gia tiên (phần lễ này ngày nay thường được nhà trai chuẩn bị trước và đem đến nhà gái hôm ăn hỏi). Đôi uyên ương tiến hành lễ khấn gia tiên trước bàn thờ nhà gái để cầu tổ tiên chứng giám, phù hộ.
Một phần lễ gia tiên được chuẩn bị sẵn theo các bộ tráp của Long Biên Wedding
6. Bàn bạc cho lễ cưới Nghi thức thắp hương ở bàn thờ gia tiên đã xong, hai gia đình sẽ ngồi cùng nhau bàn bạc về ngày, giờ lành để tiến hành lễ rước dâu, lễ cưới. Cô dâu chú rể sau khi mời nước các bậc cao niên thì có thể ra ngoài chụp hình cùng người thân, bạn bè.
7. Lại quả cho nhà trai và ra về:
Nhà gái sẽ lại quả lễ vật cho nhà trai - phần lễ lại quả cũng thường được chuẩn bị trước và có hình thức giống lễ gia tiên . Lưu ý là tất cả mọi lễ vật đều phải chia, tách bằng tay, tuyệt đối không dùng dao, kéo (mang điềm không tốt cho cuộc hôn nhân của đôi trẻ). Mâm quả khi được trả lại cho nhà trai phải để ngửa nắp. Nhà trai nhận lại mâm lễ vật và xin phép ra về, kết thúc lễ ăn hỏi. Sau đó, nhà gái có thể mời nhà trai ở lại dùng bữa cơm thân mật, việc này tùy thuộc hai gia đình.